| | | | Kỷ niệm thi Đại học Thuở còn thơ ngày một buổi đến trường (buổi kia còn đi luyện lò chứ không làm sao vào ĐH được), 12 năm đèn sách cuối cùng cũng chỉ nhằm vào được cái cổng trường ĐH. Hồi SH học cấp 3 dân sĩ tử chú nào cũng thuộc mấy câu thơ con cóc:
"...Giám thị nhìn em giám thị cười Em nhìn giám thị nước mắt rơi Cổng trường ĐH cao vời vợi Mười thằng leo tám chín thằng rơi."
Quả thực hồi hộp nhất là lúc chuẩn bị đi thi. Được cái hồi đó sĩ tử còn được "đa thê" thoải mái, dân khối A như SH tối đa có thể dự thi đến 5 trường. Thế là cả đám quân khối A chú nào cũng chuẩn bị sẵn đến 6 - 7 bộ hồ sơ để phòng xa. Thi đến năm trường thì chắc ăn lớn rồi còn gì nữa (từ xưa đến giờ đá luân lưu 11 m có ai trượt cả 5 quả bao giờ). Thế cho nên nộp xong hồ sơ SH cũng đã nhẹ người một nửa. Chỉ có điều là chưa hiểu không khí phòng thi ra làm sao đây. Trước kỳ thi một tuần bắt đầu thời kỳ không được ăn trứng, không được ăn thịt gà thịt vịt (chế độ kiêng nghiêm như của mấy top model muốn giảm cân). Thời gian cũng chẳng còn bao nhiêu, chỉ chủ yếu thư giãn và lôi bộ đề hoá và bộ đề lý ra " sôi kinh nấu sử" lại cho chắc (bây giờ nghĩ lại, hệ thần kinh hơi bị trục trặc chắc cũng bắt đầu từ hồi ấy).
Cho đến lúc ngày N, giờ G đã điểm. Môn đầu tiên buổi sáng bắt đầu thi lúc 7h30, nhưng thường 6h là đám "gà chọi" đã kéo nhau đến chật "sới" rồi, vây quanh là lực lượng CDV chủ yếu là sư phụ sư mẫu các sĩ tử. Lần đầu tiên nghe giám thị 1 gọi đến tên vào phòng thi SH cũng thấy rét rét, chỉ tự an ủi là "chúng nó" trông còn rét hơn cả "trẫm". Thường khối A ba môn được thi theo đúng thứ tự: Toán - Lý - Hoá nên thi Lý toàn dính buổi chiều, nhớ lại cái cảnh ngồi 3 giờ trong thời tiết tháng 6 tháng 7 nóng như lò quạt chả, nhất là vào tầm 1-2 giờ chiều, SH vẫn còn thấy ngán vì trong ba "đòn tra tấn" của dân khối A, Lý là môn SH rét nhất, chỉ cố gắng ăn được càng nhiều càng tốt trong phần lý thuyết, còn 5 điểm phần bài tập thì "tuỳ vận đỏ". Lạ nhất là lúc đề bài đã đến tay cũng là lúc SH cảm thấy bình thản nhất, thoải mái nhất, bụng bảo dạ: " Hôm nay có không đẹp ngày thì cậu còn 4 trường nữa cơ mà, rớt thế quái nào được." Nhận đề xong SH gần như cắm đầu vào tăng tốc ngay lập tức, vì hồi đó đề thi tuy không "khoai " như mấy năm trước (SH thi năm 94) nhưng dài thê thảm, nhất là đề BK và XD, gần như 3 giờ chỉ đủ để ngoáy hết tốc độ gần như không có nhiều thời gian suy nghĩ nếu muốn hy vọng làm hết đề. Hồi đi học lò, ông thầy có truyền cho một tuyệt kỹ là nếu làm được bài thì phải hô xin giấy, xin nháp thật to, mỗi lần đi lấy chữ ký giám thị phải gây thật nhiều tiếng động để "chúng nó" biết "trẫm" làm được bài cho đối phương "Từ Hoảng" thêm. Nghĩ cũng lạ, bây giờ nhớ lại SH hầu như chẳng nhớ nổi phòng thi của mình ra làm sao, ngồi cạnh "nhân" nào nữa, vì từ lúc ngồi xuống chỗ làm bài là SH coi như trong phòng chỉ có mỗi mình mình, còn lại toàn là tượng hết, có chú nào hỏi han gì cũng lờ như điếc ( hơi thô quá, nhưng mà đi thi ĐH thì đúng là "nhân bất tự tư, thiên tru địa diệt"). Chỉ có một lần hôm thi XD, đến buổi thi Hoá sau lưng SH có một tay chính cống dân Hàng Thớt lấy bút thúc vào lưng SH liên tục (cũng may là thi Hoá nên hắn ko có compa, nếu chẳng may vớ phải hôm thi toán thì còn ốm đòn nữa). Không "bơm" cho hắn thì mình cũng chìm theo, SH đành phải "đổi nháp lấy hoà bình" với bác bin Laden made in quê ta đó vậy. Nhưng dè đâu bơm cho bác ta hai câu lý thuyết đủ "chống móm" rồi, bác ta lại tiếc rẻ xin nốt hai câu bài tập cho nó trọn bộ. Sốt tiết quá, SH mặc kệ luôn thử xem "da ta dày hơn hay bút các hạ mạnh hơn". Kết quả là "lưỡng bại câu thương", bài thi hoá ở trường XD SH chỉ được có 7, thi xong gặp bọn bạn thằng nào cũng hùng hổ: " Trường XD này thằng nào thi ba môn ko được 24 điểm không đáng làm người." Đến lúc được chúng nó hỏi đến SH chỉ còn biết cười tươi như người câm ăn ớt. Ấy là chưa kể đến 3 giờ đồng hồ ngồi trong phòng thi Lý dưới nắng chiều trong cái phòng thi mát như lò gạch ở trường Tổng hợp để rồi cuối cùng lúc tí tởn đi xem kết quả được chua ngay một dòng: "Thí sinh...( y chang họ tên, SBD của SH)... bỏ thi không có lý do." Quả là " Báo oán giả tiên nhâp, báo ân giả thứ nhập" đây. Thi được bốn trường, cảm thấy nguy cơ "móm" đã lùi xa, lại đang đợt máu me xem đá bóng, SH và đám bạn cũng chẳng thiết tha lắm với trường thứ năm là trường Tài chính, đã thế dân HN tự nhiên phải kéo lên tận Phúc Yên thi thì đúng là " cá chép leo cây". SH đang chần chừ thì hôm phải đi nhận phòng buổi sáng trời mưa như trút, thế là chút lòng hiếu học cuối cùng ông cha truyền lại cũng trôi tuột đi nốt, football muôn năm. Tối hôm ấy vừa kéo đến nhà một chú bạn có TV màn hình lớn để xem thì lại gặp lại cả mấy thằng bạn sáng hôm trước vừa lên Phúc Yên ngồi chình ình ra đó. Hỏi ra mới biết, tối hôm trước các "con giời" chuẩn bị đi nghỉ thì có người đến gõ cửa từng phòng khẽ ngọt ngào:" Giá hũu nghị, chỉ hai triệu là đỗ chắc." Mấy tên bạn SH, vốn dân kiêu binh, liền hôm sau bảo nhau về luôn không thèm thi nữa: "Bản lĩnh như các cậu thi chỗ quái nào chả xong, chẳng lẽ cả cái Bộ Đại học xứ xờ nặng (S) này chỉ còn mỗi cái trường ấy thôi à." Mà không thi cũng phải, vì sau đó hội SH có nghe được chuyện cười ra nước mắt của mấy chú chuyên Toán trường Chùa (Am) bị zero điểm... toán. Thôi thì coi như ngu phí vào đời như cái bài thi Lý " vắng mặt không có lý do" của SH vậy. Cuối cùng thì có đáng gì phải ấm ức khi mọi chuyện kết thúc như cô tích, cả đám bạn kiêu binh cũng như SH đều " trèo cổng" chót lọt.
----------------------------------------------
Chỉ còn vài ngày nữa thôi là các thí sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học năm học 2004 rồi , chắc các bạn có nhiều lo toan, nhiều bỡ ngỡ lắm nhỉ ...Lần đầu tiên đi thi đại học, một kỳ thi quan trọng gần như là quan trọng nhất trong cuộc đời thi cử của mình ai lại chẳng có những giây phút run run. Tôi cũng thế thôi, để tôi kể cho các bạn nghe về lần thi đại học đầu tiên của tôi nhé.
Mùa hè năm 1996 tôi rời khỏi ghế trường phổ thông trung học, được nghỉ 1 tháng để ôn thi đại học. Năm đó tôi quyết định dự thi trường Đại học Y khoa Hà Nội do đó tôi quyết tâm học thật tốt các môn Toán , Hoá , Sinh để mong có được một số điểm tốt. Nhưng kiến thức bấy giờ của tôi thì lại không được tốt lắm , do vậy tôi quyết định ra Hà Nội để luyện thi theo lời hướng dẫn của một người anh, nói là anh chứ chúng tôi không có họ hàng gì, gọi là anh bởi vì anh ấy là cựu học sinh trường tôi, ra trường trước tôi 2 năm và nhất là hiện lúc đó anh đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại Học Y khoa Hà Nội. Theo lời anh, tôi được ra hà nội để luyện thi, lớp ôn thi của tôi đông lắm, tôi không đếm được chính xác nhưng nhìn đại khái thì khoảng 150 người. Trời mùa hè nóng bức, vậy mà 150 con người này lại ngồi được trong một phòng học rộng khoảng 40 mét vuông chỉ có vỏn vẹn một cái quạt trần và 4 cái quạt cây đặt ở bốn góc. Nóng, bức, khó chịu là thế mà hàng trăm con người không một lời kêu ca hay phàn nàn gì, chỉ biết lắng nghe và cặm cụi ghi chép( cái lối truyền đạt kiến thức lúc bấy giờ vẫn là Thày giảng bài , học sinh chép lại ). Được 2 tuần, vì quá nóng bức và ngột ngạt tôi quyết định bỏ dở lớp học tuy rất tiếc những bài giảng. Tôi cắp sách vở lên thư viện của Trường Đại học y khoa để học, không khí thư viện rất yên tĩnh, rất tốt cho việc học và nghiên cứu. Nhưng các bạn không biết một điều, thư viện thì ít ghế mà sinh viên đông, lại đúng vào mùa thi học kỳ nữa nên nếu không lên thư viện sớm thì đừng mong còn ghế( Tôi đã phải ăn cơm chiều từ 4h và đến thư viện vào lúc 5h30 trong khi đến 6h thì thư viện mới mở cửa). Rồi thì ngày thi cũng đến, với mớ kiến thức cỏn con, tôi cũng bước vào phòng thi trong đợt thi thứ nhất (Ngày đó tôi được thi tới 3 đợt thi lận). Bước vào phòng thi người đầu tiên tôi gặp là Giám thị, trong đầu tôi cứ nghĩ giám thị phải là một người cao lớn, oai phong thế nào kia, nhưng không giám thị của tôi là một cô gái mà mãi sau này tôi mới biết cô ấy còn đang là sinh viên năm thứ 3 trường Y khoa. Vì còn trẻ nên cô cho phép chúng tôi gọi là chị. Chị tên Mai, 22 tuổi. Môn thi đầu tiên của tôi là môn toán. đề bài rất khó và tôi thật sự cảm thấy bị sốc khi đọc đề bài, 1 bài vẽ đồ thị hàm số, 1 bài giải phương trình lượng giác, 1bài dựng hình không gian và chứng minh tính đồng phẳng của hình, 2 bài tích phân...Môn toán tôi làm bài không được tốt lắm. Tiếng chuông báo hiệu thời gian làm bài đã hết, tôi nộp bài và uể oải đứng lên, lê đôi chân nặng chịch ra cổng, tôi rất buồn vì môn thi đầu tiên không được toại nguyện. Đang ngồi nhâm nhi cốc nước Mía cho đỡ cơn khát, tôi giật mình khi nhìn thấy nụ cười của cô, à không chị Mai. Chị tiến lại gần tôi và nói nhỏ Em làm bài thế nào ? Tốt chứ ? Dạ , không tốt lắm chị à! Em quê Ninh Bình phải không ? Dạ đúng, sao chị biết ? Chị đọc thẻ dự thi của em đấy thôi, chúng ta là đồng hương rồi. Thì ra chị Mai cùng quê với tôi, và hơn thế nữa chị còn học đúng trường mà tôi vừa mới tốt nghiệp xong. Thế mà em không biết chị , lạ quá nhỉ ? Ừ , chị chuyển trường từ năm lớp 10 mà, chị ra Hà Nội được 6 năm rồi. Luyên thuyên một hồi, tôi đứng dậy xin phép ra về. Ngày hôm sau là môn Hoá, môn này đối với tôi thì đơn giản hơn, vì tôi đã học hầu như hết tất cả các cuốn sách nói về hoá học phổ thông có lúc bấy giờ, và chí ít thì tôi cũng không mất tự tin như môn toán vừa qua. Tuy nhiên với nỗi ám ảnh về kết quả không mấy tốt đẹp ở môn trước, tôi quyết định phải giành điểm tối đa trong môn lợi thế này, tiếng chuông báo phát đề thi đã điểm và tôi thực sự bàng hoàng khi nhận ra đề hoá lại quá dễ, đầu tiên tôi không dám tin, cứ nghĩ là có một cái bẫy nào đó, tôi thử đi thử lại các phép tính, thử tất cả các sơ đồ chuyển hoá có thể, cài đặt các chất dư , nghiệm lại tính chất về hoá trị của nguyên tố để xác minh, cuối cùng tôi nhận ra rằng hoàn toàn không có cái bẫy nào, nhưng than ôi vì quá mải mê với việc tìm ra bẫy mà thời gian của tôi đã bị tốn không ít, đến lúc nhận ra thì chỉ còn 30 phút, làm thế nào đây? Thế là tôi cắm cúi viết, viết không ngừng, đang viết thì chiếc bút chết tiệt lại tắc mực, tôi tuyệt vọng quay xung quanh xem có ai còn dư chiếc bút nào không? Không có, xung quanh mọi người cũng đang cắm cúi làm bài...Mới kết thúc bài thứ 3 vậy là còn đến 2 bài nữa chưa viết xong, tôi đang định đứng dậy nộp bài thì ...Em hư bút phải không? lấy bút chị mà dùng . Àh may quá , phước tổ nhà tôi vẫn còn dầy lắm nên tôi không để ý chị Mai vẫn là giám thị phòng tôi. Tôi cầm bút và tiếp tục viết, 1 bài đã xong, tôi tiếp tục viết sang bài thứ 2 còn lại, không biết bao nhiêu thời gian trôi qua, chắc là nhanh lắm,thời gian trôi vùn vụt, thoắt cái thời gian làm bài đã hết, tiếng chuông báo hiệu đã ngân vang, hú hồn cuối cùng thì tôi cũng hoàn thành được bài thi với chất lượng không tệ. Cảm ơn chị nhiều, chị Mai. Không có gì đâu em, chắc hôm nay em làm tốt Dạ , cũng thường thôi chị Uống nước Mía nữa chứ? Vâng , hôm nay để em trả tiền nhé Ừ , thế cũng được Ngày thi cuối cùng đã đến, môn Sinh học...Tôi quyết định thi khối B nhưng thực ra kiến thức về sinh học của tôi không phải là chắc nhất trong các môn thi, thực ra tôi khá môn HOÁ hơn. Sinh học là một môn khoa học khá vui và lý thú, các học thuyết sinh học làm tôi cảm thấy chăm chú hơn. Nào là con sinh vật sống được bắt nguồn từ đâu ? con người bắt nguồn từ đâu , tiến hoá như thế nào ? thế nào là chọn lọc tự nhiên ? thế nào là di truyền và còn biết bao nhiêu điều thú vị khác...Bài thi môn sinh học tuy không khó và đương nhiên nó chứa đến 70 % là lý thuyết và 30% còn lại là lý thuyết vận dụng. Định luật Hácđi-Vanberg là câu mà tôi trả lời sớm nhất. 2 bài toán sinh học vận dụng về tương tác di truyền được tôi hoàn thiện đúng vào lúc chuông báo hết giờ vang lên. Quả thật lúc đầu bước vào phòng thi tôi run lắm, sợ mình không làm được bài, nhưng rồi với những gì có trong đầu , tôi vẫn kiềm chế được nỗi sợ hãi và không còn thấy run nữa. Cuối ngày, tôi lang thang ở cổng trương để mong được gặp lại chị Mai, để nói lời cảm ơn, nhưng tôi đứng mãi mà không thấy chị. Tôi thầm cám ơn chị và bước lên xe trở về gác trọ...Thời gian đã trôi qua, tôi đã đỗ và đã học xong trường đại học y khoa hà nội, hiện tôi đang công tác tại một bệnh viện trung ương, mỗi năm nghĩ về thi đại học tôi lại thấy ngày nào mình đi thi và hình bóng chị Mai lại hiện ra.... (Nguồn:sưu tầm trên Internet tại :http://forum.clickvao.com)
| | | | |
Được sửa bởi B ngày 29/7/2011, 2:33 pm; sửa lần 1.
|